Dạy dỗ con cái là một hành trình dài, nếu đúng hướng có thể tạo nên một đứa trẻ thành công, ngoan ngoãn, ngược lại nếu không đúng có thể hủy hoại cả đời con.

05:00 20/08/2020

Với mỗi bậc làm cha làm mẹ, việc nuôi dạy, giáo dục con cái là ưu tiên hàng đầu. Ai cũng mong muốn con mình lớn lên ngoan ngoan, biết điều, thành công.

Thế nhưng, có nhiều bậc cha mẹ, rõ ràng rất khắt khe trong việc rèn giũa con nhưng đứa trẻ lớn lên lại không đúng ý họ. Lúc này, họ bắt đầu đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài tác động, chứ không chịu nhìn nhận lại phương pháp giáo dục của bản thân đã đúng hay chưa.

Dưới đây là 3 phương pháp giáo dục sai lầm, nếu áp dụng cứng nhắc có thể lại hủy hoại cả đời con

Trách phạt

Phương pháp này thường thấy nhất nhưng cũng là phương pháp giáo dục không mang lại hiệu quả.

Cha mẹ trách phạt con nhưng lại không quan tâm đến tâm trạng của con và làm thế nào giúp đỡ chúng mà chỉ có suy nghĩ làm sao để khiến con cảm thấy sợ mình từ đó răm rắp học hành, làm theo ý mình.

Mới đầu trẻ có thể sợ hãi thực sự, nhưng theo thời gian, trẻ sẽ bị chai lỳ, dần dần thành sự phản kháng, chống đối, đồng thời cũng có thể khiến trẻ tự tin, thu mình trước thế giới bên ngoài. Đây có lẽ là điều mà không một người làm cha mẹ nào mong muốn.

Bạo lực ngôn ngữ

Phương pháp này khá giống trách phạt, nhưng bạo lực về lời nói có thể gây ra tổn thương tâm lý nặng nề và nghiêm trọng hơn.

Những lời nói cay nghiệt, quát tháo, chì chiết chỉ khiến trẻ bị tổn thương mà không mang lại giá trị giáo dục. Không khiến trẻ nhận ra sai lầm của bản thân một cách triệt để, lại càng không giúp con nhìn lại và tự kiểm điểm xem bản thân đã sai ở đâu và làm thế nào để sửa chữa cho đúng.

Lạnh lùng thờ ơ

Rất nhiều cha mẹ lại chọn thái độ thờ ơ, bỏ mặc không thèm quan tâm tới sai lầm con mắc phải, muốn để con tự nhận ra lỗi sai của bản thân. Nhưng thường thì trẻ không biết mình đã làm gì sai.

Khi thấy bố mẹ lạnh nhạt, tức giận nhưng không biết lý do ở đâu, trẻ sẽ càng hoảng loạn.

 

Tác hại của các phương pháp giáp dục sai lầm với sự trưởng thành của con trong tương lai

Thiếu sự tự tin

Những phương pháp giáo dục trên khiến trẻ sinh ra cảm giác sợ hãi, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của con. Dần dần chúng sẽ đánh mất sự tự tin vào bản thân và trở nên khép kín, thậm chí là thờ ơ trong việc thiết lập những mối quan hệ sau này.

Tổn thương tâm lý

Cha mẹ không có phương pháp giáo dục đúng sẽ gây ra những tổn thương về tâm lý và tinh thần cho con, cộng thêm việc con luôn nấp sau cái bóng của cha mẹ càng khiến cho tình trạng này ngày càng tệ hơn, cuối cùng có thể gây ra bệnh trầm cảm hoặc những bệnh tâm lý, hay tâm thần khác.

Trẻ nổi loạn

Khi còn nhỏ, trẻ sẽ không có cách nào để phản kháng, nhưng rồi chúng sẽ trưởng thành và trở thành những đứa trẻ bất cần, nổi loạn.

Khi đó chúng sẽ không nhẫn nhịn và chịu đựng cha mẹ nữa, cha mẹ sẽ phải đối mặt với sự chống đối kịch liệt cũng nhưng sự nổi loạn của các con, tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng vì thế dẫn trở nên xấu đi.

Cha mẹ phải bù đắp như nào để kết nối lại tình cảm với con

Thừa nhận sai lầm

Khi nhận thấy tình cảm giữa cha mẹ và con xa cách, cũng tự nhận thấy phương pháp giáo dục của mình khiến các con bị tổn thương, hãy tìm cơ hội nào đó ngồi xuống nói chuyện với con, thừa nhận lỗi lầm của mình, như vậy sau này mới có cơ hội sửa chữa.

Nếu cha mẹ vẫn kiên quyết giữ thái độ cứng nhắc, khoảng cách giữa bố mẹ và con sẽ ngày càng sâu sắc, trẻ sẽ ngày một xa rồi bố mẹ hơn.

Tương tác với con nhiều hơn

Khi con đã có những tổn thương, muốn cải thiện lại rất cần thời gian. Khi ấy cha mẹ có thể tích cực đưa con đi chơi đi du lịch đâu đó, qua những chuyến đi ấy vừa giúp cha mẹ và con cái mở lòng với nhau hơn lại vừa có thể tăng thêm kiến thức.

Hãy luôn nhớ rằng, trẻ em vốn không phải đối tượng duy nhất cần được dạy bảo, ngay cả phụ huynh cũng phải trưởng thành cùng con. Có như vậy, con cái mới có thể tiến bộ tốt đẹp, đây mới chính là ý nghĩa thực sự của giáo dục.

Theo Thạch Thảo/ Gia Đình Mới