10 tuổi vào đại học, trí nhớ siêu phàm, khả năng học toán và vật lý nổi trội nhưng thần đồng Tô Lưu Dật vẫn không thể hòa nhập trong môi trường đại học do cách giáo dục chưa đúng cách của cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ luôn mơ ước con mình học thật giỏi, IQ thật cao nhất là khi đọc những câu chuyện thực tế về các thiên tài.
Các phụ huynh cho rằng, IQ cao sẽ giúp cho con họ học tốt hơn, đạt điểm cao hơn và có nhiều cơ hội trong cuộc sống hơn.
Tuy nhiên, câu chuyện về thần đồng Tô Lưu Dật ở Trung Quốc lại khiến cho nhiều người phải suy nghĩ lại về cách giáo dục trẻ.
Tô Lưu Dật sinh năm 2000 ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Cậu bé có trí nhớ siêu phàm nên chỉ mất 2,5 ngày để hoàn thành bậc tiểu học, 1,5 năm học xong THPT và năm lên 10 tuổi đã đỗ vào đại học với điểm số 566, kém thủ khoa tỉnh Sơn Đông có 14 điểm.
Với số điểm đó, Tô Lưu Dật được rất nhiều trường đại học trải thảm và bố mẹ chọn Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong ở Thâm Quyến để con trai theo học.
Theo nhận xét của ông Chúc Thanh Thi, chủ tịch Đại học Khoa học công nghệ Hong Kong, Tô Lưu Dật là một cậu bé có trí nhớ cực kỳ tốt, tư duy toán học và vật lý nổi trội.
IQ cao nhưng quá trình học đại học lại không như ý
Những tưởng với IQ và khả năng nổi trội như vậy, Tô Lưu Dật sẽ đạt được thành tích học tập siêu đẳng như khi cậu bé còn học cấp 1 đến cấp 3, nhưng mọi việc lại đi ngược lại.
Cậu bé 10 tuổi quá nghịch ngợm, ảnh hưởng tới việc học của các sinh viên cùng lớp nên thường xuyên phải ngồi học ở cuối giảng đường.
Một giảng viên cho biết, ngày nào cũng vậy, Lưu Dật không thể ngồi yên trong lớp học quá 10 phút. Cậu bé thường xuyên trêu các anh chị trong lớp, dễ dàng mít ướt khi bị ai đó trêu. Khi các bạn chăm chú nghe giảng thì Tô lại lăn ra ngủ.
Một thời gian sau thì Tô Lưu Dật nghỉ học, nhưng theo Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, nhà trường không đuổi học cậu bé mà chỉ là nghỉ tạm thời và nhà trường phải thiết kế một chương trình học riêng cho cậu bé học tại nhà.
Nhiều người cho rằng Tô Lưu Dật không thích nghi được với môi trường đại học một phần là do sự giáo dục chưa toàn diện của cha mẹ bé khi họ chỉ quan tâm tới IQ của con mà quên mất rèn luyện cho con có EQ cao và tính độc lập.
Từ bài học của Tô Lưu Dật, các bậc cha mẹ nên hiểu đừng quá chạy theo thành tích học tập, chỉ số IQ mà quên dạy con những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, nhất là tính tự lập và khả năng thích nghi khi ra ngoài xã hội.
Hậu quả của giáo dục sớm và bệnh thành tích trong giáo dục trẻ
Không có tuổi thơ hạnh phúc
Tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần nên cha mẹ hãy dung hòa giữa việc học và chơi để con được tận hưởng thời thơ ấu tuyệt vời nhất. Đừng vì chạy theo thành tích trong học tập mà ép con học ngày đêm, không còn cả thời gian >giải trí, thư giãn.
Không hòa nhập được với cuộc sống tập thể
Nếu chỉ chăm chăm quan tâm mỗi việc học của con mà không dạy con các kỹ năng, cách ứng xử trong cuộc sống thì trẻ sẽ không thể nào hòa nhập được với cuộc sống tập thể, xa nhà.
Kể cả những thần đồng như Tô Lưu Dật, mặc dù học rất giỏi nhưng chỉ vì không hòa đồng được với cuộc sống tập thể mà cậu bé đã không thể theo học đại học ở tuổi lên 10.
Vậy khi giáo dục con, cha mẹ nên quan tâm tới hai điểm sau:
Phát triển khả năng độc lập của trẻ
Dạy con suy nghĩ, hành động độc lập ngay từ nhỏ để chúng không chỉ biết tự chăm sóc bản thân mà còn dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.
Nuôi dưỡng EQ (trí tuệ cảm xúc) của trẻ
IQ của trẻ rất quan trọng, nhưng nếu không có EQ cao, cho dù IQ cao đến đâu, sẽ rất khó để đạt được thành công lớn.
Khi cho trẻ tiếp xúc với những người khác nhau, tham gia các hoạt động tập thể, trong quá trình giao tiếp EQ của trẻ sẽ được phát triển.
Đồng thời, cha mẹ tạo ra một môi trường sống hài hòa, ấm áp bởi những đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc sẽ có EQ cao hơn.