Dạy dỗ một đứa trẻ nên người thực sự rất khó, đặc biệt lựa chọn cho mình phương pháp dạy dỗ đúng đắn lại càng khó hơn. Dưới đây là 10 kiểu dạy con ngược đời mà cha mẹ Việt hay áp dụng.
1. Dạy trẻ theo cách dạy… thú cưng
Chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước.
Cha mẹ thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái. Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó mà không quan tâm tới năng lực thực tế của con.
2. Phục vụ con một cách mù quáng
Có một hiện trạng cực kỳ phổ biến, đó chính là cha mẹ còng lưng nuôi con ăn học, ngay cả khi con đã vào đại học, qua 18 tuổi những vẫn để cha mẹ nuôi hoàn toàn. Trong khi ngoài kia, biết bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa vẫn hàng ngày đi làm thêm để trang trải cho chính cuộc sống của mình.
Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn, bao bọc con quá đà là căn bệnh trầm kha của xã hội ta.
Nhiều cha mẹ coi việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng này là một niềm vui hay trách nhiệm hay đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp cho con, tuy nhiên điều này rất sai lầm.
Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên trong môi trường như thế hoặc là những cây tầm gửi và cây leo, hoặc là những chiếc ly thủy tinh có thể rơi và vỡ nát bất kỳ lúc nào.
3. Không để cho trẻ ra ngoài khi trời mưa hoặc rét
Các trường học và cha mẹ có một phản ứng gần như tự động là không cho học sinh ra ngoài khi thời tiết không thuận lợi như mưa hoặc rét và hủy các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ em nếu thời tiết có chút bất lợi.
Người Nhật Bản, trái lại, họ coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi và khả năng thích nghi.
Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng ốm để chúng quên việc bị ốm đi và nhanh chóng hồi phục, cũng giống như việc tăng đề kháng tự nhiên cho con. Tất nhiên nếu trẻ ốm nặng hay bệnh truyền nhiễm là ngoại lệ.
Cha mẹ hãy nhớ rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều ốm, nếu chúng chỉ ho hắng nhẹ, sổ suýt thông thường thì đừng cuống lên cho con nghỉ học ngay. Hãy chăm sóc chế độ >dinh dưỡng cho con, đồng thời nếu được hãy cứ để trẻ tới trường.
4. Nuôi con cho… béo
Quan điểm nuôi con cho béo mới là khỏe mạnh là một trong những cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục thể chất sai lầm nhất của các cha mẹ Việt Nam, đặc biệt ở những người thuộc thế hệ cũ như ông bà.
Trẻ em vốn dĩ không cần béo hay thậm chí không được phép béo. Đó là nguyên tắc mà cha mẹ vô tư vi phạm và dẫn tới việc chúng ta xâm phạm và xâm hại cuộc đời của tụi nhỏ.
Ở Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con (ở tuổi ấu thơ) của cha mẹ nếu họ để cho con mình béo phì, thừa cân quá mức quy định. Rõ ràng họ muốn cảnh báo cho cha mẹ là thừa cân là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới >sức khỏe của trẻ.
5. Học giỏi là tất cả
Trẻ học giỏi là tốt nhưng chỉ biết học hoặc chỉ biết học giỏi thôi thì… cực xấu.
Bây giờ, thật khó cho chúng ta tìm ra được các cô cậu học trò học giỏi mà chơi giỏi (nghệ thuật và thể thao) và năng động (về vận động và xã hội ), chứ chưa nói tới biết làm… việc nhà.
Bởi quan điểm nuôi con của cha mẹ hiện nay chính là con chỉ cần học giỏi thôi, còn lại tất cả việc nhà là do cha mẹ hoặc người giúp việc làm. Đây rõ ràng là suy nghĩ độc hại, cho chính con trẻ của chúng ta.
Làm như vậy là cha mẹ đang đào tạo ra những con gà công nghiệp và những con robot và cả các chiến binh thi cử, không hơn không kém.
6. Phê bình trước toàn trường
Rất nhiều trường học hiện nay vẫn áp dụng cách phê bình học sinh trước toàn trường. Đây là sự xâm phạm tới cả tính riêng tư của cá nhân và sự xúc phạm tới nhân phẩm của một con người.
Cha mẹ, giáo viên và nhà trường đang phán xét về một đứa trẻ và dạy cho nó phán xét nhau.
Hãy nhớ, phê bình khi trẻ làm sai là đúng, nhưng cần giữ thể diện cho trẻ, nếu chúng ta vạch tội trẻ trước đông người chúng sẽ rất xấu hổ, dần dần có thể sinh ra tính cách lì lợm, ngang ngược, chống đối.
7. Không biết dùng nhà vệ sinh
Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng rất nhiều đứa trẻ không biết sử dụng nhà vệ sinh đúng cách.
Không biết xếp hàng khi đi vệ sinh công cộng.
Không giữ vệ sinh chung.
Nhiều bé gái và học sinh nữ khi vào nhà vệ sinh không chốt cửa và bật đèn.
Rửa tay làm vung vãi nước ra sàn...
8. Giỏi Toán là có tư duy sáng tạo
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rất kỳ quặc, đó là chỉ học giỏi Toán mới được coi là giỏi, còn những môn như Văn, Sử, Địa... thì thường không được coi trọng.
Toán học dĩ nhiên là quan trọng và tất cả mọi con người đều phải học và nắm chắc những điều căn bản của nó, nhưng việc cho rằng trẻ con phải học Toán giỏi làm nền móng cho các môn học khác và giúp cho trẻ con trở nên sáng tạo là rất ngây thơ và ngây ngô.
Sáng tạo và tư duy của trẻ có thể đạt được qua bất kỳ hoạt động nào, từ học thuật cho tới vận động và nghệ thuật, ngay cả hoạt động xã hội.
Toán học là thơ ca của tư duy (lời của Albert Einstein), tức là nó rất đẹp. Học toán chỉ cần thấy nó đẹp là được rồi, bất kể đẹp theo cách nào. Cha mẹ không nên áp trẻ giỏi Toán bằng mọi giá, bởi ngoài việc chăm chỉ, trẻ cũng cần năng khiếu.
9. Học giỏi là để ấm thân mình
''Học cho ấm vào thân'' là câu mà 100% cha mẹ thường nói với con. Cha mẹ có biết đó là sự ích kỷ tai hại mà chúng ta tạo ra cho các thế hệ con cái của mình qua bao năm qua. Chính chúng ta khuyến khích đứa con của mình trở thành một cái cây đơn lẻ vươn lên tìm ánh nắng chỉ cho mình.
Tinh thần và ý thức cộng đồng của chúng ta vì thế mà là con số không. Tranh giành nhau đường đi hay khoảng trống trên đường giao thông, hay tranh cướp nhau trong các lễ hội là những biểu hiện sinh động cho điều này.
10. Con cái là trang sức của cha mẹ
Cha mẹ luôn muốn con làm con ngoan trò giỏi, học hành nhiều thành tích để >làm đẹp mặt cha mẹ, để đi đâu cha mẹ cũng khoe với người này người kia.
Cha mẹ luôn suy nghĩ như vậy và lấy quyền làm cha mẹ của mình yêu cầu các con phải làm điều đó. Biết bao đứa con đáng thương bị cha mẹ bắt tham gia vào các cuộc đua làm thiên tài từ bé và trong suốt quá trình học phổ thông của mình.
Thành tích, giải thưởng mà trẻ đạt được qua các cuộc thi có một vai trò rất lớn là làm cho cha mẹ thấy tự hào và để khoe, như là một thứ trang sức chính hiệu.